Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 17/4: TP.HCM tăng cường phòng, chống dịch Covid-19; Cà Mau số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 150%
D.Ngân - 17/04/2023 10:00
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa phẫu thuật thành công cho cụ P.T.L (sinh năm 1914, Hòa Bình) bị gãy kín liên mấu chuyển xương đùi.

Phẫu thuật thành công cho cụ bà 109 tuổi bị gãy xương

Đây là bệnh nhân cao tuổi nhất được phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Theo lời kể của gia đình, trước vào viện 10 ngày, bệnh nhân tự ngã đập mông và đùi phải xuống nền cứng.

Sau ngã đau nhiều vùng mông và đùi phải, bệnh nhân khám tại Bệnh viện tuyến trước được chẩn đoán gẫy kín liên mấu chuyển xương đùi phải, gia đình cho bệnh nhân điều trị Đông y không đỡ.

Sau đó, bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám và điều trị trong tình trạng vẫn đau nhiều vùng mông đùi phải, bất lực vận động chân phải.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sỹ khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng hợp khám và điều trị bằng thuốc giảm đau, giảm nề, dùng nẹp chống xoay bàn chân, thực hiện các xét nghiệm đánh giá tình trạng toàn thân cũng như tại chỗ tổn thương.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho cụ bà 109 tuổi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi

Các bác sĩ chẩn đoán cụ bà bị gãy kín liên mấu chuyển xương đùi.

Tiếp theo, tiến hành hội chẩn với khoa Gây mê hồi sức và thủ trưởng khối ngoại để đưa phương án điều trị phù hợp.

TS.BS Nguyễn Năng Giỏi, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Chủ nhiệm khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng hợp, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phẫu thuật viên chính của ca mổ cho biết: “Gẫy kín liên mấu là mặt bệnh ngoai khoa thường gặp ở người cao tuổi. Việc phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân thoát khỏi đau đớn cũng như tình trạng bất động, phục hồi chức năng khớp háng và dần trở lại sinh hoạt bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, kết xương liên mấu chuyển là một phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề, công tác Gây mê hồi sức tốt và các phương tiện dụng cụ phức tạp khác nhau.

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với đội ngũ bác sĩ kinh nghiệm và đã từng phẫu thuật thành công cho nhiều bệnh nhân cao tuổi, trong đó có những cụ hơn trăm tuổi. Tuy nhiên, ca mổ này đặc biệt nhất bởi bệnh nhân đã 109 tuổi, cao tuổi nhất trong tất cả các bệnh nhân từng mổ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến nay và cũng là hiếm thấy ở Việt Nam. Do đó, phương án phẫu thuật và điều trị được xây dựng tỉ mỉ dưới sự phối hợp giữa khoa Chấn thương chỉnh hình và Gây mê hồi sức.”

Cũng trong kíp phẫu thuật, là bác sĩ gây mê, BSCKII An Hải Toàn- Khoa Gây mê Hồi sức chia sẻ vể những khó khăn khi tiến hành gây mê cho người cao tuổi, bác sĩ cho biết, đối với gây mê hồi sức cho người cao tuổi, để đảm bảo an toàn cho suốt quá trình phẫu thuật, kíp gây mê phải đảm bảo vô cảm tốt cho bệnh nhân tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật viên, đồng thời theo dõi sát ý thức, tình trạng huyết động, hô hấp và can thiệp khi cần thiết và duy trì bệnh nhân ở trạng thái sinh lý nhất, đảm bảo giảm đau sau mổ tốt giúp vận động sớm, dự phòng huyết khối cho bệnh nhân”.

Sau 1 giờ phẫu thuật, ca phẫu thuật diễn biến thuận lợi, bệnh nhân chuyển vể phòng hậu phẫu khoa Chấn thương Tổng hợp trong sự vui mừng của toàn bộ ê kíp mổ, ê kíp gây mê hồi sức cũng như người nhà của bệnh nhân. Sau mổ 6h, cụ đã ngồi dậy và tập đi lại, cụ bà đã tươi tỉnh hơn vì thoát khỏi đau đớn, toàn trạng hoàn toàn ổn định, vết mổ khô sạch.

Ca phẫu thuật thành công đã thể hiện trình độ chuyên môn cao của các y bác sĩ, cũng như sự đồng bộ giữa chất lượng người thầy thuốc và trang thiết bị hiện đại tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Hiện nay, có nhiều măt bệnh chấn thương phức tạp, người bệnh không nên tự điều trị mà hãy đến cơ quan y tế chuyên sâu để được khám, tư vấn và điều trị một cách tốt nhất, TS. BS Nguyễn Năng Giỏi, khuyến cáo.

TP.HCM: Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi các sở, ban, ngành TP; UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, nhằm chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để dịch bùng phát trở lại, UBND TP đề nghị Sở Y tế TP tiếp tục thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP và khu vực, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch đảm bảo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Cùng với đó là chủ trì phối hợp UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng Covid-19, đặc biệt đối với các nhóm người có nguy cơ cao. Phối hợp với các cơ quan quản lý cửa khẩu và đơn vị liên quan triển khai các biện pháp giám sát tại cửa khẩu.

UBND TP yêu cầu ngành y tế tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt đối với các nhóm nguy cơ cao như: phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.

Tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng chống dịch. Cùng với đó là phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đối với Sở Giáo dục - Đào tạo TP, UBND yêu cầu chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học trên địa bàn TP tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong trường học theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế và báo ngay cho cơ quan y tế địa phương khi có ca bệnh trong trường học.

Tiếp tục phối hợp với ngành Y tế trong công tác rà soát tiêm vắc-xin đối với học sinh, phối hợp tổ chức các chiến dịch, hoạt động tăng cường tiêm chủng tại trường học và phòng, chống các dịch bệnh trong trường học. Thực hiện truyền thông đến học sinh, phụ huynh học sinh biết đường lây truyền các bệnh truyền nhiễm và lợi ích của tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Các sở, ban, ngành TP liên quan và UBND TP các quận, huyện, thành phố Thủ Đức căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và dịch bệnh truyền nhiễm khác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế TP.

Tiếp tục tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ, Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27 tháng 1 năm 2022 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời chuyên môn y tế thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch trên địa bàn.

Cà Mau: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 150%

Từ đầu năm đến nay, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, toàn tỉnh ghi nhận hơn 240 ca, tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2022, bệnh tập trung nhiều ở huyện Trần Văn Thời, thành phố Cà Mau, huyện Đầm Dơi. Cảnh báo dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Tại thị trấn Sông Đốc, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 40 ca mắc sốt xuất huyết với 25 ổ dịch.

Phòng khám Đa khoa thị trấn Sông Đốc đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường điều tra dịch tễ và tiến hành xử lý để ổ dịch. Do ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế, ổ chứa lăng quăng ở xung quanh nhà còn khá nhiều, vì vậy mầm bệnh sốt xuất huyết vẫn còn tồn tại và khó xử lý triệt để.

Huyện Đầm Dơi là một trong các địa phương có ca mắc sốt xuất huyết cao. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trạm y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống.

Trong đó, tập trung công tác giám sát, phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch cũ, đồng thời lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng tránh muỗi cắn.

Tại các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị để đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác khám sàng lọc để phát hiện sớm ca bệnh để điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh chuyển nặng.

Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng ở tất cả các huyện, thành phố, cảnh báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong những tháng tới. Vì vậy, người dân cần cảnh giác, thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng và đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh.

Tin liên quan
Tin khác