Đầu tư và cuộc sống
Tô thắm truyền thống hào hùng đất Đế Vương
Hoàng Mạnh Hùng (*) - 25/03/2024 15:12
Gia Viễn là vùng đất địa linh nhân kiệt "Đại Hữu sinh Vương, Điềm Dương sinh Thánh", để lại những dấu ấn đặc biệt trong lịch sử. Ngày 24/3/2024 (tức 15/2 âm lịch), Gia Viễn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng (924-2024).

 

Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ giữa UBND huyện Gia Viễn, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư

Vùng đất địa linh nhân kiệt

Thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh (khi lên ngôi vua, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng) - người anh hùng kiệt xuất của quê hương Gia Viễn đã đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là sự tiếp nối quốc thống của các Vua Hùng.

Sự ra đời nhà nước Đại Cồ Việt đã chấm dứt tình trạng phân tán, cát cứ kéo dài. Đây là nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, mở đầu cho thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ thời kỳ nhà Đinh cho tới nhà Nguyễn, vùng đất “địa linh nhân kiệt" Gia Viễn luôn có sự gắn kết hữu cơ trong tiến trình mở mang bờ cõi, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Gia Viễn thành lập tổ chức cơ sở Đảng với sự ra đời của Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tại làng Lỗi Sơn (tháng 7/1929). Gia Viễn cũng là địa phương có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, nơi tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong tỉnh Ninh Bình, góp phần cùng với quân dân làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, đóng góp vào những chiến công to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xứng với Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

Được sự quan tâm của tỉnh, với tư duy và tầm nhìn chiến lược, những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế, vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh và các địa phương lân cận,  huyện Gia Viễn đã có nhiều chính sách ưu đãi cụ thể, thiết thực, nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tranh thủ các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đưa tốc độ phát triển kinh tế của huyện nhiều năm liền đạt mức cao và bền vững (bình quân đạt trên 25%/năm), quy mô kinh tế trên 40.000 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ (hiện đã tới 97%). Từ huyện chiêm trũng thuần nông, Gia Viễn đã trở thành trung tâm công nghiệp với Khu công nghiệp Gián Khẩu, 3 cụm công nghiệp là Gia Phú, Gia Lập, Gia Vân đi vào hoạt động, thu hút nhiều dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư huyện Gia Viễn năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Quang Ngọc đánh giá, thời gian qua, cùng với sự đầu tư của Trung ương và của tỉnh, huyện Gia Viễn đã khắc phục khó khăn, tập trung phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, trở thành huyện đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, với lợi thế là vùng đất cổ, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, thực hiện chủ trương của tỉnh Ninh Bình là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Gia Viễn tập trung phát triển mạnh lĩnh vực này. Nhiều mô hình với cách làm hay, sáng tạo đã được triển khai, đi vào hoạt động hiệu quả như: Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, suối khoáng Kênh Gà, điểm tham quan du lịch hang Bóng, hang Cá, động Địch Lộng (Nam thiên đệ tam động - động đẹp thứ ba trời Nam)…

Những di tích lịch sử như Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng - Lăng phát tích, chùa Kỳ Lân, Thung Lau, Thung Lá, đền Đức thánh Nguyễn… cũng đang trở thành điểm thu hút đông đảo khách tham quan du lịch trên hành trình tìm về nguồn cội và khám phá lịch sử vùng đất địa linh nhân kiệt Gia Viễn. Từ đó, thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển toàn diện, tăng trưởng bình quân 9,7%/năm, gấp gần 3,8 lần so với năm 2020. Năm 2023, toàn huyện đã thu hút 1,7 triệu lượt du khách, tăng 47,8% về lượt khách và tăng 72% về doanh thu so với năm 2022.

Kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ, nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh được xây dựng, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Đến nay, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 90 thôn (xóm) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 - năm cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện và phấn đấu quy hoạch huyện là đô thị loại IV trước năm 2030.

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, huyện Gia Viễn xác định các nhiệm vụ trọng tâm gồm: tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; nâng cao năng lực, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp; phát huy nội lực, chủ động sáng tạo, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vượt qua mọi khó khăn, đẩy nhanh phát triển kinh tế; tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ứng dụng nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế; chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền, chuyển đổi số.

Huyện Gia Viễn tổ chức Lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng, diễn ra vào 8 giờ ngày 24/3/2024 (tức 15/2 âm lịch) tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Cùng với đó là nhiều hoạt động đặc sắc như: ra mắt cuốn sách “Gia Viễn - Lịch sử văn hóa”; cuộc thi Hoa Trạng Nguyên; hội diễn nghệ thuật quần chúng, cuộc thi “Ươm mầm tài năng hướng dẫn viên du lịch nhí”; Lễ hội đền Thánh Nguyễn; xây dựng hoàn thiện mã QR, tuyến du lịch “Theo dấu chân vua Đinh Tiên Hoàng”, Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư vào huyện; khai trương “Chiếu chèo trên đầm Vân Long”, Giải việt dã và Giải chạy bán Marathon…

 Nhân sự kiện này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Viễn mong tiếp tục được đón nhận sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ của các sở, ngành, đoàn thể. Gia Viễn tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, năng động, sáng tạo, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần tô thắm và làm rạng rỡ truyền thống hào hùng của vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng.

Để đạt được các mục tiêu trên, huyện Gia Viễn đề ra 5 giải pháp.

Một là, phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tập trung xây dựng nông thôn mới. Tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; tạo điều kiện từng bước hình thành nền nông nghiệp sạch. Gắn phát triển kinh tế với xây dựng mô hình nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Hai là, tập trung cao cho phát triển công nghiệp, chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, tạo sự chuyển dịch nhanh về cơ cấu kinh tế. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành, nghề, làng nghề thế mạnh; hoàn thành xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Ba là, phát triển các ngành dịch vụ và du lịch có hiệu quả và đạt giá trị cao. Chú trọng phát triển dịch vụ du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch với văn hóa, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Bốn là, tăng cường nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, thu ngân sách đạt trên 220 tỷ đồng. Thực hiện thu, chi ngân sách đúng, đủ, hiệu quả, tiết kiệm.

Năm là, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn liền với định hướng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và từng lĩnh vực cụ thể với các bước đi phù hợp. Các công trình phải được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, phát huy tác dụng lẫn nhau, nhất là các công trình thủy lợi và giao thông; có kế hoạch phân kỳ đầu tư hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài.

*Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Viễn

Tin liên quan
Tin khác