Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dữ liệu thống kê từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, dù có sự giảm sút trong tổng thể nhập khẩu, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho thị trường này, chỉ sau Ecuador và Nga.
Khi nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Trung Quốc thay đổi, cùng với việc giảm nhập khẩu tổng thể, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các loại thủy sản tươi sống và có nguồn gốc rõ ràng.
Sự ưa chuộng này không chỉ phản ánh sự phát triển của tầng lớp trung lưu tại các thành phố lớn mà còn là kết quả của việc Trung Quốc tập trung sản xuất thủy sản qua phương thức nuôi trồng, trong khi nguồn cung từ khai thác tự nhiên hạn chế.
Thủy sản Việt Nam không chỉ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, mà còn đa dạng về chủng loại, từ tôm, cá tra, cá basa đến các loại hải sản cao cấp. |
Trong số các mặt hàng được nhập khẩu nhiều vào Trung Quốc, cua là một trong những sản phẩm ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 86.700 tấn cua, với kim ngạch đạt 1,3 tỷ USD. Con số này tăng 11% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này không hề suy giảm.
Đặc biệt, cua sống chiếm phần lớn trong tổng số cua nhập khẩu với 68.400 tấn, mang lại giá trị 1,14 tỷ USD. Điều này cho thấy sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tươi sống, nhất là trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và dịch vụ tổ chức sự kiện (HRI).
Tôm hùm cũng là một trong những sản phẩm nhập khẩu nổi bật trong giai đoạn này. Theo đó, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 37.000 tấn tôm hùm, với tổng giá trị hơn 1 tỷ USD, đánh dấu mức tăng trưởng 15% về lượng và 14% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Về xu hướng, người tiêu dùng tại các thành phố ven biển như Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến thường ưu tiên lựa chọn hải sản tươi sống, trong khi tại các vùng nội địa, nhu cầu chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đã qua chế biến.
Hải sản tươi sống nhập khẩu tại Trung Quốc thường được tiêu thụ trong các nhà hàng hạng sang, khách sạn lớn và các nhà hàng Quảng Đông nổi tiếng với món hải sản. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc, nhất là tại các thành phố lớn thường quan tâm đến những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao và được quốc tế công nhận. Điều này làm gia tăng sự phát triển của các kênh thương mại như chợ bán buôn thủy sản, nơi các nhà nhập khẩu và phân phối có thể tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.
Trong đó, chợ hải sản JingShen tại Bắc Kinh được coi là chợ hải sản lớn nhất khu vực miền Bắc Trung Quốc, cung cấp khoảng 80% lượng thủy sản cao cấp cho thị trường Bắc Kinh. Tại đây, các loại hải sản nhập khẩu, bao gồm cả những sản phẩm cao cấp phục vụ ngành HRI và bán lẻ, được phân phối đến các nhà mua lẻ và các nhà phân phối tại nhiều tỉnh thành lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hà Bắc, và Cát Lâm. Nhờ hệ thống chợ bán buôn này, thủy sản nhập khẩu được lưu thông rộng rãi và dễ dàng đến tay người tiêu dùng khắp Trung Quốc.
Bất chấp sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác như Ecuador và Nga, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định trong xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, thủy sản Việt Nam không chỉ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, mà còn đa dạng về chủng loại, từ tôm, cá tra, cá basa đến các loại hải sản cao cấp như cua, tôm hùm. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam cần phải đối mặt với những biến động về giá cả, sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng và sự gia tăng của các tiêu chuẩn nhập khẩu từ phía Trung Quốc. Với sự tăng trưởng của ngành nuôi trồng thủy sản trong nước, dần dần Trung Quốc sẽ tự cung cấp nội địa, điều này có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ các nước trong tương lai.
Để giữ vững thị phần tại thị trường này, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hợp tác với các đối tác Trung Quốc và tìm kiếm các cơ hội mới từ những thị trường ngách trong ngành thủy sản.