Doanh nghiệp
Mở đường xuất khẩu cho nguyên liệu Việt
Trà My - 17/05/2023 15:37
Chú trọng mở rộng nguồn nguyên liệu hữu cơ và đầu tư hệ thống chế biến hiện đại là cách Tập đoàn nguyên liệu Á Châu (AIG) đang làm để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Thẳng trú tại xã Tân Trung, tỉnh Bến Tre là một trong số những hộ dân địa phương tham gia vào dự án trồng dừa hữu cơ của Công ty cổ phần chế biến Dừa Á Châu (ACP) thuộc Tập đoàn nguyên liệu Á Châu AIG.

Với diện tích 7,000 m2, vườn dừa mỗi năm mang tới cho gia đình ông khoản thu nhập ổn định lên tới hơn 700 triệu đồng.

Ông Thẳng cho biết, kể từ khi tham gia ký kết hợp tác với ACP thông qua tổ hợp tác xã, ông và những hộ dân tham gia trồng dừa đã được công ty hỗ trợ về phân bón, tập huấn kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ thu mua với giá cao hơn thị trường, khiến họ cảm thấy an tâm để tập trung vào chăm sóc vùng nguyên liệu. 

“Mỗi tháng gia đình tôi thu hoạch khoảng 800 trái dừa, số lượng này đều được hợp tác xã thu gom và chuyển tới nhà máy ACP. Tôi không rõ những trái dừa sau đó sẽ được chế biến thành sản phẩm gì, giá thành ra sao, nhưng chúng tôi biết chắc chắn nó sẽ được xuất khẩu”, ông Thẳng chia sẻ.

Vườn dừa hữu cơ nhà Ông Nguyễn Văn Thẳng trồng và thu hoạch theo quy trình hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật của Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu (AIG)

Toàn xã Tân Trung hiện có 2420 hộ trồng dừa với diện tích 1.166,1 ha. Những giá trị kinh tế mà cây dừa mang lại đã thuyết phục người nông dân sẵn sàng chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích, đồng nghĩa vùng nguyên liệu của ACP cũng ngày càng được mở rộng.

Cam kết phát triển vùng nguyên liệu bền vững và một số trọng tâm cốt lõi mà AIG đã kiên trì nỗ lực trong suốt quá trình hình thành cũng là nội dung được Giám đốc Phát triển Kinh doanh Lê Nguyễn Đoan Duy chia sẻ tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 15/5.

Ông Lê Nguyễn Đoan Duy (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với các nguồn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp và nguyên liệu thực phẩm

Ông Duy cho biết, AIG đã đúc kết được kinh nghiệm thông qua mối quan hệ hợp tác với nguồn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nguyên liệu thực phẩm nói riêng dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nguyên liệu sạch.

AIG nhìn nhận Việt Nam hiện nay đang nổi tiếng trên thị trường thế giới với các dòng nông sản chủ lực như gạo, cafe, dừa, sắn, hồ tiêu. Nông sản Việt Nam được đánh giá cao nhờ sở hữu các vùng nguyên liệu rộng lớn, giá cả hợp lý và chính sách mở cửa đầu tư giúp cho nông sản Việt luôn được thị trường quốc tế đón nhận. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng nền kinh tế nông nghiệp có giá trị cao thông qua việc phát triển ngành sản xuất phụ trợ.

“Nắm bắt kịp thời xu hướng, AIG đã đi tiên phong với 2 mặt hàng nông sản chủ lực là dừa và sắn, tận dụng các vùng nguyên liệu organic rộng lớn ở Bến Tre, Trà Vinh, Nghệ An, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này”, ông Duy nói.

“Không chỉ chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu an toàn và chất lượng cao, AIG còn đầu tư công nghệ, thiết bị và nhân lực vận hành hiện đại, cùng giải pháp hạ tầng bài bản, kịp thời nắm bắt xu hướng thị trường”, ông chia sẻ thêm.

Đại diện Tập đoàn nguyên liệu Á châu (AIG) nhận Kỷ niệm chương Doanh nghiệp đồng hành thu hút đầu tư nước ngoài do Báo Đầu tư trao tặng

Bên cạnh Công ty CP Chế biến Dừa Á Châu (ACP), Công ty cổ phần Á Châu Hoa Sơn (AHS), Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu hiện đang sở hữu hệ sinh thái gồm 6 công ty sản xuất và cung cấp các loại nguyên liệu cho ngành thực phẩm, thực phẩm chức năng, nước giải khát, sản phẩm từ sữa, thủy sản, dược phẩm và bánh kẹo,...

Sản phẩm mang thương hiệu AIG hiện đang xuất khẩu rộng rãi sang nhiều thị trường khó tính tại Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay Australia, khẳng định vai trò của công ty như một trong những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong thị trường nguyên liệu thực phẩm Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị nông sản và thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Từ đó, công ty tự tin giới thiệu đến đối tác, nhà đầu tư nước ngoài những cơ hội hợp tác nhiều tiềm năng, tạo được cho họ sự tin cậy và ủng hộ.

Việt Nam được xem là một trong 5 giỏ thực phẩm của thế giới với nguồn nguyên liệu thực phẩm phong phú, trong đó riêng ngành gia vị có quy mô thị trường khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng, theo số liệu từ Bộ Công thương.

Việt Nam cũng đang là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu các loại mặt hàng gia vị đến năm 2025 dự kiến đạt trên 2 tỷ USD. Sức hấp dẫn của thị trường này đã thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn quốc tế như Unilever,  Ajinomoto, Miwon, Nestlé, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Tính hết năm 2022, có trên 8.500 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô công nghiệp với tổng công suất đạt khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ năng lực và kinh nghiệm để chế biến xuất khẩu.

Đại diện AIG khẳng định các doanh nghiệp trong nước cần thiết lập hệ sinh thái phù hợp để phát triển ngành nghề một cách bền vững.

“Với kinh nghiệm làm việc hơn 20 năm về phân phối và cung cấp giải pháp kỹ thuật từ các đối tác quốc tế cho những công ty sản xuất thực phẩm ở Việt Nam, AIG nhận thấy cần phải có nguyên liệu đầu vào tốt kết hợp với sản xuất hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế sẽ tạo ra được những sản phẩm thương hiệu Việt có giá trị cao, không chỉ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận mà cộng đồng cũng được hưởng lợi”, ông Duy khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác