- Giữ vai trò quản lý với vị trí phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM cùng công tác đào tạo, giảng dạy nhiều năm qua, anh có thể nói gì về ngành sư phạm âm nhạc hiện nay?
Công tác đào tạo âm nhạc mà cụ thể là lĩnh vực thanh nhạc nói riêng dần trở thành một thị trường sôi động trong vài năm gần đây. Nó đã và đang tạo thành một lĩnh vực rộng lớn để những người học hát có nhiều lựa chọn để học tập, theo đuổi.
Tất nhiên đã gọi là thị trường thì sẽ có đủ chủng loại hàng hóa: cao cấp có, trung bình có và kể cả tình trạng thượng vàng hạ cám cũng không hề ít… Tùy vào nhu cầu và mục đích theo đuổi mà bản thân người học và người dạy sẽ có những lựa chọn cho riêng mình, quan trọng là lựa chọn đúng sai, có thực sự phù hợp với bản thân hay không. Ở vị trí quản lý, đó mới là điều chúng tôi đặc biệt quan tâm.
NSƯT Tạ Minh tâm. |
- Trong bối cảnh thị trường đa dạng như thế, Nhạc viện và bản thân các giảng viên, người dạy giữ vai trò như thế nào trong việc định hướng và hỗ trợ người học?
Phải hiểu rằng Nhạc viện là một cơ sở đào tạo của quốc gia, là nơi đào tạo ra nghệ sĩ có trình độ, có bằng cấp được nhà nước công nhận. Đây không phải là một lò luyện như nhiều chỗ bên ngoài, càng không phải là nơi mà nhiều người tìm đến học vài bữa để biết hát được dăm ba bài rồi ra ngoài hoạt động như ca sĩ.
Một sinh viên nhạc viện mất trung bình 8 năm từ hệ trung cấp cho đến khi học lên đại học. Tùy vào công sức bỏ ra mà mỗi học viên sẽ có những thành quả khác nhau. Người có kiến thức tốt, nền tảng tốt sẽ giúp họ thể hiện tốt và nâng tầm tác phẩm. Và ngược lại, kiến thức chỉ tầm trung hay quá tệ thì cũng không thể nào đòi hỏi họ làm xuất sắc được.
- Phỏng vấn nhiều nghệ sĩ trước đây tôi nhận ra ranh giới giữa nhạc thị trường và học thuật là có thật. Một người đại diện của dòng nhạc hàn lâm như anh có những nhận định gì về điều này?
Bất cứ dòng nhạc nào khi đã chấp nhận đặt mình vào một môi trường chung thì cũng đều có những ranh giới nhất định. Cụ thể, ranh giới chúng tôi phân chia ở đây là nằm ở bản thân tác phẩm, phong cách và không gian biểu diễn.
Còn nếu để đánh giá thì quả thật theo tôi âm nhạc giải trí hiện nay chỉ là đáp ứng yêu cầu cấp thời thôi. Thậm chí có những loại nhạc tôi vẫn hay gọi vui với các đồng nghiệp chỉ đáng để “ráy tai” cho sướng chứ chẳng có ý nghĩa hay mang đến lợi ích gì.
Thật ra ráy tai cũng là một nhu cầu của con người. Nếu chỉ dừng ở mức độ vài phút thì không sao nhưng nếu lạm dụng nhiều quá có khi lại hỏng đôi tai của mình. Thị trường âm nhạc hiện nay đa số là như thế.
Bên cạnh vai trò giảng viên, ca sĩ, Tạ Minh Tâm nhiều năm qua còn giữ chức vụ phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM. |
- Một thực tế khó thể phủ nhận là nhạc giải trí vẫn đã và đang thống lĩnh đời sống thưởng thức của đa số công chúng, nhất là giới trẻ. Điều này hẳn phải có lý do chứ?
Những gì chúng ta nhìn thấy hiện nay ngoài kia là thị trường ca nhạc phổ thông. Thị hiếu khán giả ở đó cần giải trí chứ không cần đỉnh cao. Họ cần những thứ gì đó dễ nghe, dễ cảm chứ không cần sự kiên trì tìm tòi, khám phá như những gì tôi vừa đề cập.
Khán giả có thể cãi nhau, thậm chí là mang sở thích của mình để áp đặt và đánh giá loại này cao cấp, hợp thời hơn loại kia. Còn với số ít những người hiểu biết về chuyên môn như chúng tôi thì sẽ phân định rất rõ ràng.
Một điều cũng dễ nhận biết nữa là có rất ít ca sĩ trẻ chọn lập nghiệp bằng con đường âm nhạc cổ điển. Bởi từ trong xã hội, người ta đã sống quen với việc muốn hưởng thành quả nhanh, sớm và rực rỡ chứ ít có người chịu đầu tư một cách bài bản, lâu dài với những thứ quá khó khăn, mà trên hết ở đó họ không biết rõ mình thành công ở mức độ nào hay thậm chí kể cả thất bại.
Không riêng gì Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng thế thôi, chuyện này là tất yếu trong cơ chế thị trường.
- Vậy theo suy nghĩ của anh, nhạc Việt dường như đang đi những bước thụt lùi đúng như lo ngại của nhiều người?
Tôi không đánh giá thụt lùi hay tiến lên vì ở vị trí mỗi người sẽ có những nhận định riêng. Nhưng trên hết, âm nhạc cổ điển mới là thứ để nói lên đẳng cấp âm nhạc của một quốc gia chứ không phải như những gì mọi người nhìn thấy về mặt bằng giải trí hiện nay.
Tiếp cận với một tác phẩm âm nhạc cổ điển, người ta sẽ thấy nó khác xa với các thể loại khác, cụ thể là về qui mô, về tính đồ sộ và cả sự tinh vi, phức tạp của tác phẩm. Để đạt được khả năng đó, bản thân người học và thể hiện phải đổ rất nhiều tâm huyết.
Còn về âm nhạc giải trí tất nhiên cũng có những giá trị riêng mà tôi không phủ nhận. Nhưng đẳng cấp về nghệ thuật thì âm nhạc cổ điển vẫn là một cái đỉnh khó có sự so sánh nào trọn vẹn được. Đây là chuyện rõ ràng, sòng phẳng chứ hoàn toàn không phải vì phân biệt hay tỏ ý chê bai cá nhân.
Theo nghệ sĩ Tạ Minh Tâm, người nghệ sĩ đích thực phải có khả năng nâng thẩm mỹ công chúng lên chứ không chạy theo thị hiếu. |
- Không ít người sẽ tự đặt ra câu hỏi nhạc hàn lâm đứng ở đâu trong đời sống văn hóa của người Việt. Và công chúng thực sự quay lưng hay những người làm nghề đang ngày càng không còn nhiều nhiệt huyết. Anh lý giải điều này thế nào?
Nhạc Việt ngày nay đa số mọi người không đánh giá trình độ của nghệ sĩ đó cao hay thấp đâu. Có chăng họ chỉ để ý đến cảm xúc cá nhân xem có thích ca sĩ đó hay không để rồi cho đó là đánh giá nghệ thuật – một chuyện mà theo tôi hết sức nhầm lẫn và gây tai hại.
Theo quan sát của tôi, tiềm năng về nhân lực trong lĩnh vực ca hát cổ điển của Việt Nam hiện nay hoàn toàn không thua kém các nước bạn. Thời gian qua, nước ta đã bước đầu tạo được đà khá tốt khi nhận được một số thành tích, giải thưởng thanh nhạc trong khu vực cũng như Quốc tế, hay như việc một số nhà hát giao hưởng của TPHCM cũng cho ra mắt những vở nhạc kịch nổi tiếng của thế giới được thể hiện trọn vẹn bởi chính ekip là người nước mình.
Những điều kể trên cho thấy một tín hiệu đáng mừng với nhạc cổ điển Việt Nam.
- Cá nhân anh có những đánh giá gì về lớp thế hệ nghệ sĩ kế cận hiện nay?
Rõ ràng là ca sĩ ngày nay được đào tạo và đạt được thành tựu cao hơn ngày xưa rất nhiều. Bản thân tôi dù hiện tại vẫn đứng ở đỉnh cao trong nghề nhưng nếu để so sánh Tạ Minh Tâm ở lứa tuổi 20 so với các em thì quả thật thua xa.
Gần đây, tôi quan sát có Phạm Khánh Ngọc với thanh nhạc cổ điển, hay có Võ Hạ Trâm ứng dụng học thuật vào dòng nhạc đại chúng… Những gương mặt này dù có thể không ồn ào truyền thông nhưng trình độ ca hát và kiến thức về nghệ thuật là điều khiến họ rất được người trong nghề coi trọng.
Gia đình Tạ Minh Tâm. Con gái nhỏ của anh vừa mới tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM sau 9 năm học hệ Trung cấp và được anh đặt nhiều kỳ vọng sẽ tiếp bước mình trong tương lai. |
- Một thời gian dài, câu phát ngôn từ một cô ca sĩ trẻ " Ở Việt Nam cầm mic lên đã trở thành ca sĩ" trở thành đề tài gây tranh cãi nhưng từ đó cũng mở ra một thực trạng chung của giới showbiz hiện nay. Anh cảm thấy thế nào?
Lại vẫn là chuyện muôn thuở. Theo tôi đó là trách nhiệm của bản thân người phát ngôn chứ xã hội không có quyền phải đi giải thích hộ. Ai thừa hưởng sự giáo dục thế nào thì người đó sẽ phát ngôn tương ứng như thế.
Nếu thừa hưởng một nền giáo dục không biết tự trọng thì họ cứ phát biểu và cứ làm thôi, điều này cũng không phạm pháp vì rõ ràng họ có đối tượng khán giả của riêng mình.
Tuy nhiên, tôi vẫn có niềm tin vào sự đào thải của nền nghệ thuật. Thực tế nhiều năm qua tôi vẫn có nhiều học trò chuyên môn chỉ kha khá nhưng lại rất được thị trường đón nhận.
Quan trọng là thái độ và cách bạn hoạt động với nghề như thế nào thì thị trường sẽ phản ứng bạn lại như thế đấy.