Kho chứa dầu tại đảo Jurong, Singapore. Ảnh: AFP |
Như vậy, thế giới sẽ hết chỗ để tích trữ dầu mỏ trong vòng 3 tháng nữa nếu các nhà sản xuất dầu mỏ không sớm cắt giảm sản lượng trong lúc thị trường vốn đã dư cung do nhu cầu dầu mỏ bị “đóng băng” vì dịch Covid-19.
Bloomberg dẫn đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit cho rằng, với sức tăng cung và cầu dầu mỏ bị tê liệt như hiện nay thì nguồn cung dầu mỏ sẽ tăng thêm 1,8 tỷ thùng trong nửa đầu năm 2020, trong khi dung tích của các bể chứa chỉ còn khoảng 1,6 tỷ thùng.
Nếu các nhà sản xuất không cắt giảm sản lượng thì đến tháng 6/2020 thế giới sẽ không còn chỗ chứa dầu thô “thừa”, IHS Markit cảnh báo.
Thị trường dầu mỏ toàn cầu 3 tuần qua lao đao khi hứng chịu đòn kép. Giữa lúc nhu cầu dầu mỏ “bốc hơi” nghiêm trọng do các lệnh cấm đi lại và di chuyển để ngăn dịch Covid-19 lây lan, thì Saudi Arabia “kích nổ” cuộc chiến giá dầu với Nga và tuyên bố khiến thị trường thế giới ngập trong dầu giá rẻ sau khi thỏa thuận giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga đổ bể.
Hệ lụy nhãn tiền của đòn kép lên thị trường dầu mỏ là Pakistan tuần trước cấm nhập khẩu dầu thô và nhiên liệu do các kho tích trữ đã đầy. Hai tập đoàn kinh doanh dầu mỏ hàng đầu thế giới - Vitol Group và Gunvor Group, cho biết họ rất quan tâm đến việc tích trữ dầu mỏ, còn một số doanh nghiệp đã đặt hàng sản xuất các tàu dầu siêu khủng để dự trữ dầu trên biển.
IHS Markit dự báo nguồn cung dầu mỏ có thể vượt 12,4 triệu thùng/ngày trong quý II/2020 khi các doanh nghiệp kinh doanh dầu mỏ, ngân hàng và chuyên gia tư vấn đều cho rằng nguồn cung dầu mỏ sẽ “bội thực”. Vitol Group mới đây cho biết nhu cầu dầu mỏ (toàn cầu) đã giảm còn 20 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.
Jim Burkhard, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ tại IHS Markit cho rằng: “Việc sản xuất dầu mỏ cần được cắt giảm hoặc thậm chí đóng cửa. Bây giờ vấn đề là chứa ở đâu và bao nhiêu”.
Đã xuất hiện dấu hiệu giá dầu bị tác động do thế giới thiếu chỗ chứa. Tại Mỹ, dầu WTI được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008 vì nhiều dự đoán rằng lượng dầu thô tồn kho giao kỳ hạn của Mỹ sẽ phình to trong vài tuần tới.
Trong khi đó, dầu Brent giao kỳ hạn được giao dịch theo cấu trúc thị trường “contango” (bù hoãn mua) - nghĩa là giá giao ngay của dầu Brent thấp hơn giá bán trong vài tháng tới và nhà đầu tư có thể kiếm lời bằng cách mua vào và tích trữ dầu mỏ rồi chờ thời điểm giá cao để bán ra.
Trên thực tế, các biện pháp “hữu hình” đối với (dư cung) dầu thô đang chỉ ra những khuyết tật trên thị trường.
Trong số 3 quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Nga có năng lực tích trữ dầu mỏ ít nhất, chỉ khoảng 8 ngày, theo IHS Markit. Còn Saudi Arabia có dung tích trữ dầu mỏ lên tới 18 ngày và Mỹ là 30 ngày. Năng lực tích trữ được tính toán dựa vào lượng dầu mỏ mà quốc gia đó có thể tích trữ nếu xuất khẩu sạch kho.
Nigeria, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi, được đánh giá rất dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của thị trường dầu mỏ. IHS Market ước tính với sản lượng 1,9 triệu thùng/ngày trong quý I/2020, thì kho dự trữ dầu mỏ của quốc gia châu Phi này sẽ đầy trong vòng 1,5-2 ngày.
Với Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, chuyên gia Lei Sun của công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết quốc gia này vừa qua đã mua vào khoảng 2,5 triệu thùng/ngày cho kho tích trữ trong tháng 1 và tháng 2 khi các nhà máy lọc dầu trong nước giảm sản lượng do đối phó với dịch Covid-19.
Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục mua vào bổ sung cho kho dự trữ dầu mỏ chiến lược năm nay, nhưng quốc gia này cũng sắp hết sức chứa và có thể chỉ duy trì lượng mua vào khoảng 300.000 thùng/ngày từ nay đến hết năm.
Trong khi đó, công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects chia sẻ, các bồn chứa của công ty này sẽ đầy trong vài tháng tới.
Energy Aspects cho rằng, việc OPEC tăng sản lượng lên mức kỷ lục, lượng dầu tồn kho sẽ nhanh chóng vượt tầm kiểm soát. Các kho chứa dầu thô của công ty này sẽ đầy ắp vào đầu quý II/2020 nếu nguồn cung không được siết lại sớm.